BBC Vietnamese - Kinh tế VN: ‘Càng tăng trưởng càng nghèo

|

From: BBC Vietnamese


Ông Trần Xuân Giá, cựu Bộ trưởng Kế Hoạch Đầu tư tỏ ý quan ngại về cách điều hành kinh tế tại Việt Nam.

Trên bài phỏng vấn đăng trên Thời báo Kinh tế Việt Nam, cựu quan chức chính phủ, từng điều hành một trong những bộ quan trọng nhất nước, nhận định: “Cả tư duy và mô hình tăng trưởng hiện nay đã không còn phù hợp."

“Chúng ta không thể tiếp tục tư duy tăng trưởng theo lượng, khuếch đại, sùng bái con số và che đậy các khuyết điểm của nền kinh tế được nữa,” ông Trần Xuân Giá nói.

“Nếu không, càng tăng trưởng, có thể chúng ta sẽ càng nghèo đi.”

Một số trí thức trong nước đã từng quan tâm đến chủ đề này. Ông Nguyễn Trần Bạt, Giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư InvestConsult cho hay nhiều năm trước ông đã quan ngại đến cách làm kinh tế tại Việt Nam.

"Tôi đã nói điều này cách đây 10 năm. Trong một số bài báo, tôi cảnh báo tâm lý tăng trưởng bằng mọi giá. Tôi viết từ rất sớm. Hiện nay nó đẻ ra một cái thực tế mà (cựu) bộ trưởng phải lên tiếng. Chúng tôi, với tư cách là người trí thức bình thường, đã từng lên tiếng trước đó, cảnh báo trước đó, không chỉ cho Việt Nam. Mà cho tất cả các quốc gia kiểu Việt Nam.”

Trong bài phỏng vấn đăng trên tuần báo kinh tế có uy tín từ Hà Nội, ông Trần Xuân Giá tự xếp mình vào nhóm những người bi quan về kinh tế Việt Nam.

Bi quan

Chúng ta không thể tiếp tục tư duy tăng trưởng theo lượng, khuếch đại, sùng bái con số và che đậy các khuyết điểm của nền kinh tế được nữa

Trần Xuân Giá - Cựu Bộ trưởng KH và ĐT

Bên cạnh thừa nhận một số thành tích như, “năm 2009 không rơi vào suy thoái, ngăn chặn được nguy cơ phá sản ở nhiều doanh nghiệp, kiểm soát được lạm phát ở mức 6,88%,” vân vân, cựu quan chức chính phủ nói đến một số lĩnh vực Việt Nam đang phải trả giá.

Đó là “sự phục hồi của kinh tế Việt Nam diễn ra không đồng đều, chưa vững chắc, tạo nên bức tranh sáng tối lẫn lộn.”

Các khó khăn đang tiềm ẩn trong kinh tế Việt Nam, theo ông Trần Xuân Giá, là tỷ giá hối đoái, và lạm phát; chi tiêu công gia tăng; nhập siêu sẽ tăng do giá nguyên liệu trên thế giới tăng, môi trường bị phá hoại nặng nề.

Trước một số ý kiến nhắc đến cuộc khủng hoảng tài chính thế giới như là nguyên nhân khiến cho kinh tế Việt Nam chao đảo trong năm 2008, ông Trần Xuân Giá chỉ ra, ngay cả trước thời kỳ khủng hoảng (2007 cho đến trước quý 3/2008) Việt Nam đã bộc lộ nhiều khó khăn.

“Nguyên nhân suy giảm của kinh tế Việt Nam không chỉ đến từ bên ngoài. Quan trọng nhất là những nguyên nhân nội tại. Nền kinh tế Việt Nam khi ấy gặp không ít khó khăn.

“Lạm phát cao, nhập siêu lớn. Những yếu kém cơ bản đó nằm ngay trong cả cơ cấu lẫn cơ chế kinh tế của Việt Nam.”

Cựu bộ trưởng, hiện tham gia điều hành hội đồng quản trị của ngân hàng ACB, sau đó liệt kê những thiếu sót cơ bản của kinh tế trong nước.

“GDP tăng chủ yếu dựa vào vốn đầu tư nhưng hiệu quả đầu tư ngày càng kém, năng suất lao động thấp, chi phí sản xuất, tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm tăng cao,

"Công nghệ chậm đổi mới, cơ cấu kinh tế, cơ cấu xuất khẩu chưa thoát khỏi lạc hậu, thị trường trong nước kém phát triển, kinh tế vĩ mô còn nhiều yếu tố bấp bênh, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao, môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng, lành mạnh.”

Ông Nguyễn Trần Bạt từ công ty InvestConsult lo ngại lối tăng trưởng kiểu “sùng bái con số’’ sẽ đưa Việt Nam đến một kết cục không hay.

“Ăn kẹo mãi thì sẽ bội thực đường. Giấy kẹo nó rơi xuống chân mình nó cao đến mức nó làm tắc thở cái người ngồi, hoặc đứng ăn kẹo.

“Cho nên là tăng trưởng theo kiểu như thế này chính là một trong những biện pháp giết chết một cách chắn chắn nhất tương lai, không chỉ tương lai kinh tế, mà nhiều tương lai khác của Việt Nam.”

1 Comentário:

Unknown said...
This comment has been removed by the author.

Post a Comment