Đùa dai với dân là hiện tượng tưởng phải là chuyện cũ rồi hoá ra vẫn mới nguyên hôm nay; còn những văn bản luật cũ giờ đều không xử được hai tên tội phạm mới xuất hiện. Lấy ý dân xin lấy thực lòng! Đến bây giờ mà nguyên Phó Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc TP.HCM Lê Hiếu Đằng vẫn phải kêu lên: "Lấy ý kiến dân đâu để cho vui". (VietNamNet) Không chỉ nhân dân chung chung như chúng ta đã nói quá nhiều mà là những "nhân dân" cụ thể trong nhiều cơ quan Nhà nước đã lâu nay dùng liệu pháp "co mình trong vỏ ốc" trước những vấn đề của cơ quan đó. Thường là thủ trưởng hay phó thủ trưởng chủ trì những buổi họp hay những đợt lấy ý kiến về vấn đề của cơ quan đó, của ngành đó hoặc lớn hơn của đất nước và kêu gọi nhân dân phát huy dân chủ, đóng góp ý kiến. Nhưng nhân dân rụt cổ, nhân dân đùn đẩy cho nhau, nhân dân tìm những góc kín trong hội trường hay phòng họp cơ quan để xin hai chữ "bình an". Rồi nhân dân giơ tay biểu quyết mà chẳng có cảm xúc gì và nhân dân nhanh chóng lao ra khỏi phòng họp như chạy trốn khỏi một cuộc truy đuổi nào đó. Những dòng miêu tả trên là chuyện viễn tưởng chăng? Không. Đó là sự thật đã diễn ra ở nhiều nơi và quá lâu rồi. Người viết những dòng này là một nhân dân trong vô vàn nhân dân như thế. Và tôi cũng như rất nhiều "nhân dân" bạn bè của mình nhiều lần thấy ngượng chín cả mặt khi góp ý say sưa và chân thành cho dù ý kiến đó hay hoặc chưa hay, đúng hoặc chưa đúng nhưng cuối cùng chỉ là "nước đổ đầu vịt" lên các ông, các bà lãnh đạo cơ quan thôi. Thậm chí nước thì đổ đầu vịt còn đá lại rơi vào đầu mình. Chúng ta có dám thử bỏ phiếu kín toàn dân xem lãnh đạo phường, quận huyện, tỉnh thành... có thực sự nghe ý dân hay không? Nếu có tiến hành bỏ phiếu thăm dò thì nhân dân chỉ xin một điều là đừng bắt nhân dân bỏ phiếu có ký tên hoặc viết cho dù một chữ như dấu tích của mình để lại mà chỉ dùng hai ô chữ KHÔNG và CÓ thôi. Vì sao lại thế? Vì đó là một sự đảm bảo an toàn là nhân dân không bị lộ danh tính trước các "đầy tớ của nhân dân". Trực Ngôn không phải là tên thật của tôi. Nó là bút danh. Nhưng cái việc lấy bút danh này cũng cho thấy tâm lý "chim sợ cành cong" của cá nhân "nhân dân" của tôi. Và chính những dòng chữ viết ra này cũng là thử tập thêm một lần nữa để xem thử cái nhân dân của mình là gốc hay chỉ là thứ ở dưới đất giống như gốc mà thôi. Có lẽ vì thực trạng trên mà Tổng bí thư Nông Đức Mạnh phải nhấn mạnh như một mệnh lệnh cấp bách và sống còn của Đảng: "Lấy ý dân - vấn đề cốt tử của Đảng". Mệnh lệnh của người lãnh đạo đứng đầu Đảng đã gián tiếp chứng minh lâu nay việc lấy ý dân có những khi vẫn còn hình thức. Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lấy dân làm gốc. Đấy là bí quyết làm nên sức mạnh của Đảng. Thế mà 80 năm sau, Đảng lại phải kêu gọi như một thông điệp cấp bách cho toàn Đảng về nguyên lý ấy. Mà đâu chỉ khi có Đảng nhân dân mới trở thành gốc của một quốc gia mà ít nhất là từ khi một xã hội có Vua - Tôi. Hội nghị Diên Hồng là bằng chứng lớn về việc nghe ý dân. Nếu việc lấy ý dân chỉ là hình thức, chỉ là làm cho vui thì xin dừng lại ngay. Bởi như thế mất thời gian của lãnh đạo mà càng mất thời gian của nhân dân. Còn nếu tiếp tục làm thì nhân dân chỉ xin một điều: Lấy ý dân thì lấy thực lòng. Còn nếu không chỉ là trò đùa dai với nhân dân mà thôi. Lập trường của em là... Thi thoảng, tôi vẫn tham gia cuộc họp ở khu phố mình. Nói chung phần lớn những cuộc họp hành của chúng ta khiến người họp mệt mỏi và nhàm chán vì chung chung và kéo dài. Nhưng có một điều rất "hấp dẫn" tôi một cách bi hài trong những cuộc họp này, đó là ngôn ngữ phát biểu của các cư dân khu phố. Một chị làm nghề bán xôi sáng và trứng vịt lộn lúc nào phát biểu cũng giơ tay một cách nghiêm túc. Mà chị ấy nghiêm túc thật trong nhiều công việc ở khu phố. Và cho dù bàn về cái gì trong cuộc họp đó thì khi phát biểu chị cũng mở đầu bằng câu "Lập trường của em là..." Ví dụ: Lập trường của em là khu mình phải sạch sẽ, lập trường của em là khu mình không được chửi nhau, lập trường của em là khu mình không được vứt xỉ than tổ ong ra đường, lập trường của em là sống trong cùng khu không nên nói xấu sau lưng nhau, lập trường của em là em có bán xôi cũng không được bán điêu bán hớt cho khách... Cho đến năm nay, tôi đã có thâm niên 35 năm công tác. Trong 35 năm đó, tôi đã phải viết biết bao bản kiểm điểm cá nhân từ của cơ quan chuyên môn đến chi bộ. Và trong từng ấy bản kiểm điểm cá nhân thì mục mở đầu bao giờ cũng là: Lập trường tư tưởng. Tất cả những ai viết kiểm điểm ở cơ quan tôi hay các cơ quan khác đều viết như thế vì đó là mẫu được quy định. Sau 35 năm cái "chuyên mục" lập trường tư tưởng kia không hề thay đổi tí gì về mặt chữ nghĩa. Còn nội dung thực sự cần phải kiểm điểm thì nó chung chung đến mức chính tôi cũng không biết mình viết thế để làm gì. Và ngay tuần này, chúng ta lại được nghe chuyện nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển từng nhấn mạnh trong một hội nghị: "Là ủy viên Trung ương, chúng ta đến đây không phải để nói lập trường mà để bàn cách giải quyết những vấn đề của cuộc sống". Ai cũng hiểu rằng ông Trương Đình Tuyển nói vậy là ông đang bức xúc và cảnh báo về một lối tư duy sáo mòn, chung chung, thiếu trách nhiệm và thiếu sáng tạo vẫn còn tồn tại như một nguy cơ trong các bài phát biểu của nhiều người giữ vị trí cao trong Đảng - các Uỷ viên Trung ương. Đã giữ chức Uỷ viên Trung ương thì đương nhiên lập trường của các ông, các bà phải vững vàng như dãy Trường Sơn hùng vĩ rồi. Điều mà Đảng và đất nước cần ở các ông, các bà Uỷ viên Trung ương là một cái nhìn trung thực, biện chứng và đầy tính đột phá cho những chính sách mang tính chiến lược của đất nước. Tôi không là Uỷ viên Trung ương, nhưng tôi cam đoan rằng: tôi có thể nói vo về lập trường của một đảng viên trong mươi tiếng đồng hồ mà lại... hấp dẫn chứ không nhạt nhẽo. Nhưng cứ thao thao bất tuyệt về lập trường tư tưởng như tôi mà chẳng đưa ra giải pháp thì phỏng có ích gì? Trong khi đó, hàng trăm vấn đề của đất nước và quốc tế liên quan đến lợi ích của đất nước cần các ông, bà Ủy viên Trung ương, những người theo tư duy logic thông thường là có đức có tài nhất trong các đảng viên (vì được bầu chọn mà) phải dũng cảm nhìn vào sự thật và phải đưa ra những giải pháp sáng suốt và cụ thể. Luật Việt Nam "nhân đạo" hơn luật Nhật và luật Mỹ??? Khi báo chí Nhật đưa tin một số công dân Nhật đã hối lộ cho một số quan chức Dự án Đông - Tây cả triệu đôla để có được hợp đồng làm ăn thì ông chú tôi, một cán bộ quản lý biết tôi định viết bài về chuyện đó đã gọi điện cảnh báo: Mày cẩn thận đấy kẻo sa bẫy của những người không có thiện chí với Việt Nam. Cảnh báo vu vơ thế thôi mà ối người sợ chẳng dám nói gì, chẳng dám lên tiếng. Nhưng cuối cùng thì sự thật ấy đã đến và ông Huỳnh Ngọc Sỹ đã bị kết án 6 năm tù. (Tuổi Trẻ) Tại sao ta lại không dám công khai ngay từ đầu nguồn tin có thể nói là rất tin cậy từ báo chí và các cơ quan chức năng của Nhật? Cho dù họ bịa đặt hay không có chứng cứ thì chúng ta phải lên tiếng để bảo vệ sự trong sạch và liêm khiết của các cán bộ ưu tú của chúng ta chứ. Còn đúng thì phải xử như đã xử ông cựu quan tham Huỳnh Ngọc Sỹ. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng những người Nhật có trách nhiệm yêu nước Nhật hơn yêu Việt Nam chứ. Việc họ truy cứu những kẻ hối lộ là để làm trong sạch nước Nhật chứ đâu để "bôi xấu" nước ta. Và trong tuần này, lại một tin buồn nữa đến với đất nước chúng ta từ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nội dung nguồn tin đó là: Trong phiên tòa tại Philadelphia, Pennsylvania, các bị cáo Nam Nguyễn, Kim Nguyễn và An Nguyễn, thuộc công ty Nexus Technologies đã thừa nhận đưa hơn 250 000 đô la cho các quan chức Việt Nam, trong thời gian 1999-2008, để có được các hợp đồng cung ứng thiết bị, công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam (Pháp luật TP.HCM). Liệu với nguồn tin từ các cơ quan pháp luật của nước Mỹ chúng ta sẽ tin hay không tin? Đây có phải là một cái bẫy gì đó của Mỹ không? Tôi nói cho vui trong thất vọng thế thôi chứ tôi tin đó là sự thật. Và theo luật pháp Hoa Kỳ, khung hình phạt tối đa đối với tội danh của các bị cáo Nam và An là 35 năm tù giam, với bị cáo Kim Nguyễn là 30 năm. Công ty Nexus có thể bị phạt tới 27 triệu đôla. Người phạm tội hối lộ ở Mỹ nhận từng đó năm tù và bị phạt từng đó tiền. Sao mà bị phạt tù nhiều thế hay là luật pháp Mỹ quá khắt khe còn luật pháp Việt nam thì "nhân đạo"? Sao mà nộp phạt nhiều tiền thế còn Việt Nam phải thông cảm với những cán bộ như ông Huỳnh Ngọc Sỹ lương thấp nên chỉ nộp phạt tượng trưng? Còn việc người nhận hối lộ bị phát giác thì phải nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ đó là đúng chứ còn gì nữa. Bộ luật của mỗi quốc gia có những điểm khác nhau nhưng tính nghiêm minh của luật pháp thì phải hoàn toàn giống nhau, kể cả luật pháp của xã hội loài người khi chưa có chữ viết như bây giờ. Nhận diện hai tội phạm mới: "thời tiết thất thường" và "lỗi kỹ thuật" Cầu Thăng Long vừa sửa xong thì nứt vỡ. Những người chịu trách nhiệm tuyên bố ráo hoảnh là do thời tiết thất thường (VnExpress). Thời tiết nước ta thật khủng khiếp. Cây cầu hàng ngìn tỷ với bê tông cốt sắt mà thời tiết chỉ thay đổi một chút là vặn nó nứt vỡ ngay. Thảo nào cái chậu cảnh trước sân nhà tôi bị nứt vỡ mà mình lại nghi kị trẻ con hàng xóm đá bóng làm vỡ. (Tôi xin được nói riêng với các cháu ở khu phố: Chú thực sự xin lỗi các cháu. Xấu hổ không biết chui vào đâu. Chú rõ ràng là người lớn mà ăn nói hàm hồ.) Sau khi đọc lời tuyên bố này, tôi thực sự rơi vào một cơn hoảng loạn. Và đêm đó, tôi gặp ác mộng. Trong cơn ác mộng tôi thấy toàn bộ những ngôi nhà của nhân dân và những công trình nhỏ bé hoặc ít tiền hơn đều bị vỡ toác rồi từ từ sụp đổ. Và tôi thấy một người phi ngựa với chiếc loa làm bằng mo cau lao nhanh trên những con đường suốt tháng suốt năm đào lên lấp xuống và đang nứt vỡ vì mưa nắng thất thường. Vừa phi ngựa, người này vừa "loa loa" thông báo rằng thời tiết thay đổi và đang tàn phá đất nước. Ôi, đất nước thật gian lao. Hết giặc ngoại xâm lại đến giặc trời. Rồi lại đang xuất hiện những tội phạm mới. Lại nhớ mới đây thôi, Bộ Giáo dục thông báo do lỗi kỹ thuật nên mới đẻ ra một thứ kỳ dị gọi là Dự thảo cấm trường tư dạy báo chí, sư phạm và luật. Cái thằng "lỗi kỹ thuật" này mới nguy hiểm làm sao. Hình thù cái thằng "lỗi kỹ thuật" như thế nào? Mọi người thử suy đoán xem để giúp các cơ quan chức năng mau chóng tìm ra kẻ thù gián tiếp phá hoại đất nước. Thế rồi trước đó xa hơn một chút là việc Tạp chí Cộng sản cho "ra mắt" một cái tin chết người. Cái tin này cũng lại liên quan đến đất nước mà còn nguy hiểm hơn. Tất cả người đọc bàng hoàng. Với trách nhiệm cao nhất, với ý chí cao nhất, Lãnh đạo Tạp chí này ngay lập tức đã tìm ra thủ phạm: "cậu đánh máy" của cơ quan. Ghê chưa. Thiếu cảnh giác chưa. Đây cũng là "lỗi kỹ thuật" ở một hình thức khác chứ còn gì nữa. Thế là, sau bao năm tháng dư luận cứ đi tìm thủ phạm của cầu sập, đường lún, nứt, nhà đổ, tắc nghẽn giao thông, thâm hụt công quỹ, san lấp hồ nước, clip tra tấn bạn học công khai, đầu độc môi trường, mua dâm học sinh, ăn cướp tiền, gạo tài trợ nhân đạo... xem nó là thế nào; cuối cùng là do bọn "thời tiết thất thường" và bọn "lỗi kỹ thuật". Các cơ quan chức năng lúc đó mới giở tung bộ luật ra vẫn không có điều luật nào để xử bọn "thời tiết thất thường" và bọn "lỗi kỹ thuật". Xin các nhà làm luật nhanh chóng thức đêm thức hôm bổ sung những điều luật mới để trừng phạt bọn này không thì đất nước nguy to. Cấp báo, cấp báo. "Thương mại nhục dục?" Một cuốn sách vừa mới ra đời đã gây nên ồn ĩ. Cuốn Sợi xích. Nhưng sau khi đọc vài chương trong cuốn sách, cái mà nhiều người săn lùng trên iIternet là tác giả của cuốn sách chứ không phải săn lùng cuốn sách. Săn lùng tác giả để thấy những bức ảnh "nóng hừng hực" của tác giả. Một blogger nhận xét: "Tuy mới ra mắt nhưng dâm thư Sợi xích của dâm dâm cô nương Lê Kiều Như đã gặt hái được những giải thưởng dâm giá vô cùng như Giải nhì cuộc vận động sáng tác Truyện Sex tuổi 20 của Lầu Xanh, Giải nhất truyện sex trong tuần của website Cõi Thiên Thai..." Chỉ vậy thôi cũng đã đủ thấy thái độ của bạn đọc như thế nào về cuốn sách đó. Nếu nhận xét đó là của mấy bạn đọc "hưu trí" thì có người sẽ lại phê bình là cổ hủ, phong kiến, cấm đoán, lỗi thời, đạo đức giả... Nhưng đây lại là nhận xét của những bạn đọc rất trẻ. Điều đó cho thấy những gì phi thẩm mỹ luôn bị số đông chối từ cho dù nó xuất hiện ở thời hiện đại hay hậu hiện đại, ở phương Đông hay phương Tây. Việc viết những cuốn sách như vậy là một vấn đề về thẩm mỹ và lối sống của không ít những cô gái trẻ. Nhưng việc cho xuất bản cuốn sách đó là một vấn đề nghiêm trọng hơn của nhà xuất bản. Tôi tin là các nhà xuất bản không ủng hộ xu thế văn chương này, nhưng rất nhiều nhà xuất bản bây giờ cần kinh doanh nên cứ nhắm mắt mà làm. Gần đây, có những cô gái chụp ảnh thân thể mình và đưa lên mạng với lý giải là thể hiện mình. Người đọc không hiểu họ đang thể hiện cái gì ở đây? Ảnh nghệ thuật ư? Ngay cả khi họ nói rằng đó là ảnh nghệ thuật nude hậu hiện đại hay nguỵ biện khi cần thiết là ảnh nghệ thuật nude nhưng vì "phó nháy" còn chưa cao tay nghề thì đều khó chấp nhận. Có biết bao triển lãm nude nghệ thuật của các nghiếp ảnh gia trong nước như Trần Huy Hoan, Nguyễn Thái Phiên... đã tạo lên những cái nhìn thẩm mỹ sang trọng. Cho dù phải nói lại một ý mà có lẽ ai cũng biết thì tôi cũng phải nhắc lại là: ranh giới của nghệ thuật nude và ảnh kích dục chỉ cách nhau ¼ sợi tóc. Hình ảnh ân ái của đôi vợ chồng trong phòng the là sự kỳ diệu của tạo hoá. Nhưng nếu họ quay cảnh đó và đưa lên mạng thì ngay lập tức trở thành một loại phim sex ghê tởm. Những gì mà tác giả Sợi xích viết về tình dục đã không được chứa đựng trong vẻ đẹp của ngôn từ, thẩm mỹ để tôn vinh vẻ đẹp của cơ thể và sự hoà đồng của thân xác và tâm hồn trong tình yêu đôi lứa. Dục vọng tình cảm của con người khi được hiển lộ trong một tinh thần đẹp thì nó trở thành một giá trị tinh thần có tác động đến sức sống và sức sáng tạo của con người. Còn nếu được thực thi trong cơn đói nhục dục nó sẽ trở thành một thứ bệnh hoạn. Chúng ta đã có quá nhiều quy định về xuất bản nhưng cuối cùng những cuốn sách như vậy vẫn được ra lò. Cả cái poster về cuốn sách và tác giả trong buổi khai trương đã đầy tính "thương mại nhục dục". Những thứ văn chương kích dục, văn chương ám chỉ, văn chương nói ngược... chỉ có đời sống ngắn ngủi của những con thiêu thân mà thôi. Sự nhầm lẫn này đâu chỉ có ở một hai tác giả trẻ mà ở không ít những người viết lâu năm. Nền tảng mỹ học và văn hoá cùng với tư tưởng trong những người viết nước ta luôn thiếu hụt và nửa vời. Bởi thế nhà văn không tạo ra được những tác phẩm lớn và không có khả năng sáng tạo lâu bền. Cứ thi thoảng lại ồ lên một anh, một chị nhà văn và rồi sau đó mất hút. Nhưng chuyện về nhà văn lại không phải chuyện của nhà văn mà là chuyện giáo dục thẩm mỹ và lý tưởng sống của toàn xã hội chúng ta.Nhân dân rụt cổ và hai tên tội phạm “thời tiết thất thường” và “lỗi kỹ thuật”
Phó Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc TP.HCM Lê Hiếu Đằng. Ảnh: VNN Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển.
Ảnh: VNNÔng Huỳnh Ngọc Sĩ. Ảnh: vietbao Cầu Thăng Long vừa sửa xong thì nứt vỡ. Ảnh: VNN Lê Kiều Như trong buổi ra mắt cuốn Sợi xích. Ảnh: VNN
Nhân dân rụt cổ...
| author: Robin ThieuNhân dân rụt cổ và hai tên tội phạm “thời tiết thất thường” và “lỗi kỹ thuật”
Posts Relacionados:
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment